Làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?
loading...
08:50 10/07/2018

Trước một người bị ngộ độc hoặc nghi bị ngộ độc còn tỉnh táo, cần làm cho chất độc lẫn trong thức ăn bị đào thải ra ngoài càng nhanh càng tốt bằng cách dùng 2 ngón tay của chính bệnh nhân để ngoáy họng hay dùng một thìa nhỏ hoặc tăm bông đưa vào gốc lưỡi gây phản xạ nôn.

Chú ý, khi bệnh nhân nôn để đầu cúi thấp hơn ngực, tránh bị sặc vào phổi. Trong trường hợp nếu biết chất độc là dầu hỏa, xăng, hóa chất trừ sâu thì không gây nôn vì gây nôn có thể sẽ làm bệnh nhân hít chất độc vào phổi hoặc lên cơn co giật khi đang gây nôn.

Tại y tế cơ sở, nếu có điều kiện thì tiến hành rửa dạ dày càng sớm càng tốt, chậm nhất là 4 - 6 giờ sau khi ăn phải thức ăn có chất độc (không rửa dạ dày nếu bệnh nhân co giật, lơ mơ). Sau đó nhanh chóng cho bệnh nhân uống than hoạt (1g/kg cân nặng) đối với người lớn và 0,5g/kg cân nặng đối với trẻ em (than hoạt tính có thể uống nhắc lại với liều như vậy sau 3 - 4 giờ).

Tiếp đó cho uống thuốc tẩy sunfat magnesium hoặc sorbitol để tống chất độc còn lại trong ruột và than hoạt qua đường phân.

Sau khi cấp cứu tại chỗ, nên chuyển bệnh nhân đến y tế tuyến trên để được theo dõi và điều trị chuyên khoa. Trường hợp đến muộn, cần gửi bệnh nhân đến khoa hồi sức cấp cứu để xử trí. Có thể liên hệ với Trung tâm Chống độc Trung ương để hỏi thông tin khi cần thiết.

BS. Vũ Ngọc Anh

Ý kiến bạn đọc