Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022
loading...
15:55 15/04/2022

Sáng ngày 15/4/2022, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm“ năm 2022 với chủ đề: “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”.

Ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh báo cáo kế hoạch Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2022 (nguồn Báo Hà Tĩnh)

Tham dự và Chỉ đạo Lễ phát động có Đồng chí Lê Ngọc Châu – Phó chủ tịch UBND tỉnh, PhóTrưởng Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh; Đồng chí Nguyễn Tuấn, Q. Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh; Đồng chí Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Huyện ủy huyện Lộc Hà; Đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP huyện Lộc Hà. Đại diện lãnh đạo công an tỉnh, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và các phòng ban liên quan. Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban mặt trận Tổ quốc huyện Lộc Hà; Ban Chỉ đạo LNVSATTP các xã, phường, thị trấn; Các doanh nghiệ, cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chỉ đạo buổi lễ

Phát biểu tại buổi Lễ, Đồng chí Lê Ngọc Châu – Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg; Chỉ thị số 09-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Kế hoạch số 233/KH-UBND ngày 10/7/2021 của UBND tỉnh. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm hiểu đúng, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục các tầng lớp nhân dân về đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán về vệ sinh an toàn thực phẩm trong toàn xã hội. Việc tuyên truyền, vận động phải sâu sát, cụ thể, được tổ chức thường xuyên, liên tục và lâu dài thông qua nhiều phương pháp phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền, đảm bảo mọi người dân, người tiêu dùng là những “người tiêu dùng thông thái” trong việc lựa chọn, chế biến và tiêu dùng thực phẩm, đặc biệt cần thay đổi một cách tích cực thái độ, hành vi của người sản xuất kinh doanh thực phẩm trong việc tuân thủ và chấp hành đúng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Mỗi hộ gia đình, mỗi cơ sở, mỗi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm và lương tâm của mình để đưa ra thị trường những sản phẩm tiêu dùng đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm. Quán triệt các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm về việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp để đưa ra thị trường những sản phẩm thực phẩm an toàn. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.

Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn; rà soát chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các lò mổ tập trung. Tiếp tục phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn gắn với chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đặc biệt là tăng cường quản lý các các công ty bán hàng đa cấp là thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn, có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp nhất là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các Công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật, thông báo rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm để người tiêu dùng biết, không sử dụng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác điều tra, xử lý nguyên nhân gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế và sức khỏe do ngộ độc thực phẩm gây ra.

Tăng cường công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, triển khai quyết liệt các nội dung, giải pháp cải cách hành chính, chú trọng nâng cao chỉ số hài lòng của người dân như: rà soát, khắc phục những hạn chế, thiết sót hoặc những vấn đề Nhân dân còn chưa hài lòng để khắc phục kịp thời.

Các địa phương, đơn vị cần tổ chức tổng kết, đánh giá cụ thể kết quả thực hiện Kế hoạch "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm“ năm 2022 trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp phù hợp với tình hình mới trong công tác quản lý an toàn thực phẩm; Đồng thời tiếp tục chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt đối với cấp xã phù hợp với thực tiễn hiện nay; bố trí ngân sách đảm bảo cho các hoạt động an toàn thực phẩm triển khai có hiệu quả.

Toàn cảnh Hội nghị

Sau Lễ phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm“ năm 2022, đề nghị các cơ quan truyền thông báo chí, Đài PTTH tỉnh kịp thời đưa tin, phản ánh các mô hình, điển hình chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm, góp phần cổ vũ, động viên và vận động toàn xã hội thực hiện mục tiêu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đề nghị các Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan, đơn vị có các hình thức tổ chức hưởng ứng và phát động phù hợp tại địa phương, đơn vị mình để “Tháng hàng động vì an toàn thực phẩm“ năm 2022 đạt hiệu quả cao nhất.

Ý kiến bạn đọc