Cần quản lý chặt các hàng quán, gánh hàng rong trước cổng trường học
loading...
14:06 08/04/2024

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ học sinh ngộ độc thực phẩm do ăn các loại thực phẩm, bánh kẹo ở trước cổng trường.

Mới đây nhất là ngày 5/4, một học sinh tiểu học ở Nha Trang (Khánh Hòa) tử vong thương tâm khi ăn đồ ăn trước cổng trường, cùng lúc hàng chục học sinh khác bị ngộ độc phải nhập viện điều trị.

Trước đó một ngày, 30 học sinh ở Lâm Đồng cũng phải nhập viện điều trị do nghi bị ngộ độc do ăn kẹo trước cổng trường...

Điều đáng nói là tình trạng này đang diễn ra ở khắp mọi miền trong cả nước và đang có xu hướng gia tăng rất nguy hiểm và số người bị ngộ độc trong từng vụ việc riêng lẻ cũng nhiều hơn, ngộ độc tập thể tăng lên. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xác minh, xử lý rất nhiều trường hợp các hàng quán vi phạm an toàn thực phẩm dẫn đến ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng học sinh.

Tuy nhiên, hiện nay chủ yếu là làm theo từng đợt như là đầu năm học, cao điểm tuyên truyền chứ chưa thường xuyên, liên tục. Thậm chí, một số địa phương còn lơ là, buông lỏng trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ khi nào có vụ việc vi phạm, hậu quả đáng tiếc xảy ra và dư luận lên tiếng thì mới vào cuộc xác minh, xử lý.

37 học sinh của Trường Tiểu học Vĩnh Trường và Trường THCS Trần Hưng Đạo (thành phố Nha Trang) phải nhập viện nghi ngộ độc thức ăn mua ngoài cổng trường

Theo tôi để phòng ngừa, ngăn chặn triệt để tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của học sinh, cần triển khai các biện pháp quyết liệt, cấp bách sau đây:

Thứ nhất, tăng cường kiểm tra, thanh tra các hàng quán bán các thực phẩm, bánh kẹo, thức ăn nhanh cho học sinh ở trước các cổng trường. Trong đó, chú trọng việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của các loại thực phẩm này, thực hiện thường xuyên việc kiểm tra đột xuất, kiểm tra liên ngành để kịp thời phát hiện, xử lý các hàng quán bán thực phẩm, bánh kẹo không đảm bảo chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm.

Đối với các trường học nên đầu tư lắp đặt các camera an ninh trước cổng trường để theo dõi, kiểm soát các đối tượng bán hàng rong, bán vãng lai, di động hoặc người lạ xuất hiện tại cổng trường phát kẹo, đồ ăn cho học sinh và khi xảy ra vụ việc thì kịp thời cung cấp cho cơ quan chức năng xác minh, xử lý.

Thứ hai, quy định nghiêm ngặt hơn trong việc lưu giữ mẫu thức ăn, thực phẩm, nhất là các loại đồ ăn, thức uống bán cho học sinh, trẻ nhỏ. Bởi đây là căn cứ quan trọng giúp cho việc tìm ra nguyên nhân, loại độc tố gây vụ việc đáng tiếc để phục vụ việc kịp thời cứu chữa nạn nhân cũng như xử lý, truy cứu trách nhiệm những người có liên quan. Mặt khác, trẻ em còn nhỏ, ngây thơ và chưa phân biệt được loại thức ăn nào ôi thiu, kém chất lượng có nguy cơ gây ngộ độc nên việc bắt buộc lưu tất cả mẫu thức ăn, nước uống là rất cần thiết, quan trọng.

Thứ ba, các nhà trường, thầy, cô giáo cần phải quan tâm, thường xuyên nhắc nhở các em học sinh không được nhận bất cứ quà, kẹo bán, đồ ăn từ những người lạ mà không có bố mẹ, thầy, cô giáo đi cùng. Trường hợp có nghi ngờ các đối tượng xấu, thực phẩm đồ chơi nguy hại phải báo ngay thầy, cô giáo để cung cấp cho cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh xử lý.

Bên cạnh đó, cần tổ chức các buổi ngoại khóa trang bị kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các em học sinh để ứng phó, phát hiện các loại thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, độc hại giúp các em các kỹ năng tự nhận biết, tự bảo vệ trước các hành vi vi phạm. Đồng thời, thường xuyên liên lạc với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm trước cổng trường, cũng như chủ động thông tin, trao đổi với phụ huynh khi phát hiện học sinh thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm có nguy cơ độc hại, nguy hiểm cho sức khỏe.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng không nên cho con ăn vặt các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc giá rẻ... bất ngờ chỉ vài ngàn đồng, bởi các loại này thường kém chất lượng, dễ gây ra ngộ độc hoặc là theo dụng ý của các đối tượng xấu. Theo nhiều chuyên gia thì giải pháp tốt nhất là nên nấu ăn sáng cho trẻ em và không nên cho trẻ ăn ở những hàng quán không sạch sẽ, bí bách, thiếu không gian hoặc quá đông đúc vì dễ bị vi khuẩn độc hại tấn công.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm, triệt để các vụ việc vi phạm, nhất là vụ việc nghiêm trọng như gây chết người, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, học sinh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, triển khai đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên các biện pháp phòng ngừa, xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là thực phẩm bán cho trẻ em.

Bởi nếu ăn các loại thực phẩm không an toàn, kém chất lượng, độc hại có thể không gây ngộ độc ngay mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí gây tác hại đến tính mạng thời gian dài về sau.

Tuyệt đối không nên chủ quan, lơ là trong công tác quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là bán cho trẻ em, bởi đó là ảnh hưởng đến sức khỏe - vốn quý nhất của con người và ảnh hưởng đến giống nòi của cả dân tộc.

Nguồn: Báo Dân trí

Ý kiến bạn đọc