Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, thời gian qua, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh được cải thiện tích cực. Hoạt động thông tin, truyền thông giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP được các cấp, các ngành thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, ngày càng mở rộng đối tượng tiếp cận đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thực hành của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Các hành vi vi phạm về ATTP được phát hiện, xử lý nghiêm, từng bước thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến ATTP.
Trong năm 2018, toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra 13.177 lượt cơ sở, phát hiện 1.930 lượt cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ 14,6%); xử phạt hành chính 1.278 lượt cơ sở với số tiền gần 2 tỷ đồng, tiêu hủy lượng hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm có giá trị trên 600 triệu đồng. Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành kiểm tra, đánh giá xếp loại các cơ sở kinh doanh vật tư Nông nghiệp và kinh doanh nông lâm thủy sản theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT. Lũy kế đến tháng 12/2018 đã kiểm tra 2.126 lượt cơ sở, 848 cơ sở đạt loại A (chiếm 40%), 1.216 cơ sở đạt loại B (chiếm 57%) và 62 cơ sở đạt loại C (chiếm 3%).
Tại hội nghị đã nhận được 10 ý kiến phát biểu của đại diện các ban, ngành liên quan tập trung nêu lên những kết quả đạt được, thuận lợi khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai công tác ATTP năm 2018. Đồng thời có những kiến nghị đề xuất, tập trung vào các vấn đề chính: Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thường xuyên biến động, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, cá nhân nên việc kiểm soát và cải thiện các điều kiện bảo đảm ATTP gặp nhiều khó khăn. Vấn đề tổ chức sản xuất, tổ chức tiêu thụ nông sản thực phẩm đảm bảo an toàn gặp nhiều khó khăn, từ việc hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho đến việc hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng. Sản phẩm đầu ra chưa có sự liên kết chặt chẽ với thị trường...
Cũng tại đây, hội nghị đã triển khai kế hoạch thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP được thực hiện tại TP Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh và huyện Thạch Hà với 12 xã, phường, thị trấn. Thời gian thực hiện được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị được thực hiện từ 10/1 - 9/7/2019; giai đoạn thí điểm thanh tra chuyên ngành thực hiện từ 10/7/2019 - 10/7/2020. Triển khai tháng hành động vì ATTP từ 15/4 đến 15/5/2019 với chủ đề “ Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đánh giá cao ngành Y tế và các ban ngành liên quan trong việc tích cực phối hợp thực hiện công tác đảm bảo ATTP tỉnh nhà. Tuy nhiên công tác ATTP nhiều nơi vẫn chưa thực sự được quan tâm, nhiều ban ngành chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, việc xử phạt chưa mạnh tay nên tính răn đe cũng vì vậy bị giảm đi rất nhiều. Trong thời gian tới, yêu cầu các ngành chức năng cần tập trung tuyên truyền biểu dương những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm làm tốt, đồng thời xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm ATTP và công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, các địa phương chuẩn bị tốt điều kiện để thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành ATTP; các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành phải xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Đoàn Loan
Tin mới cập nhật
- Phòng chống ngộ độc thực phẩm do Histamine trong cá ( 16/07)
- Cần quản lý chặt các hàng quán, gánh hàng rong trước cổng trường học ( 08/04)
- Kiểm soát sản phẩm bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bổ hoàn dương plus ( 19/03)
- WHO cảnh báo 4 nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc Botulinum ( 01/06)
- Tăng cường đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại trường học ( 25/11)
Ý kiến bạn đọc