Hà Nội: Các chợ sẽ phải có quy hoạch khu bán thực phẩm an toàn
loading...
09:22 02/07/2019

Suckhoedoisong.vn - Dự kiến đến năm 2022, 100% các chợ hạng 1, hạng 2 có quy hoạch khu bán thực phẩm an toàn. Đây là mục tiêu của Hà Nội nhằm khắc phục, hạn chế, yếu kém và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố.

Sở Công Thương hiện đang xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án “Thí điểm quản lý ATTP tại chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2022” (quy hoạch khu bán thực phẩm an toàn tại chợ). Trong đó, dự kiến đến năm 2022: 100% các chợ hạng 1, hạng 2, các chợ xây dựng mới trên địa bàn các quận nội thành có quy hoạch khu bán thực phẩm an toàn tại chợ và mỗi chợ có ít nhất 30% số cơ sở kinh doanh tại chợ đăng ký bán hàng tại khu vực đã được quy hoạch được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, các điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định.

Đến thời điểm hiện tại, qua tổng hợp báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã, trên địa bàn thành phố còn tồn tại 67 chợ cóc. Sở Công thương đề nghị UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương tăng cường kiểm tra và tổ chức giải tỏa các chợ cóc; tổ chức lực lượng chốt giữ, duy trì sau giải tỏa, kiên quyết không để tái phát và phát sinh mới các chợ cóc trên địa bàn quản lý. Đồng thời, nêu rõ lý do tồn tại, biện pháp và thời gian giải tỏa cụ thể. Sở Công Thương sẽ có các tổ công tác xác minh thực tế các điểm chợ cóc trên địa bàn các quận, huyện, thị xã…

Thời gian qua, triển khai thực hiện Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 1/6/2017 của UBND thành phố về khắc phục hạn chế, yếu kém; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn thành phố, Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, giám sát ATTP tại các chợ truyền thống, kiên quyết giải tỏa các chợ tự phát, lấn chiếm lòng lề đường và khu vực xung quanh chợ; tăng cường kiểm soát các lò giết mổ gia súc, gia cầm, quản lý và kiểm soát tốt thức ăn đường phố…

Cùng với đó, UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý chợ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện xác nhận kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các hộ kinh doanh thực phẩm trong chợ theo quy định.

Tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường; phối hợp với cơ quan chức năng kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa kinh doanh tại chợ, đặc biệt trong các giai đoạn cao điểm xảy ra các dịch bệnh như: Bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm...; đồng thời, hỗ trợ các thiết bị cho các hộ kinh doanh (nếu có) đảm bảo quy định về ATTP.

Khẩn trương rà soát chấn chỉnh, xử lý triệt để tình trạng các hộ kinh doanh tự ý sử dụng điểm kinh doanh vào mục đích khác ngoài nội dung ghi trong hợp đồng như: Làm nơi lưu trú, ăn ở và sinh hoạt khác như hộ gia đình (nếu có).

Ý kiến bạn đọc