Bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn số 2432/ATTP-NĐTT ngày 31/7/2019 đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2019, cụ thể như sau:
1. Chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
2. Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Nội dung tuyên truyền cho các đối tượng như sau:
- Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.
- Đối với người tiêu dùng: Hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn.
3.Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT - TTg ngày 9 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu về an toàn thực phẩm.
4. Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn trong việc khám, cấp cứu và điều trị, điều tra, xử lý để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
Kết thúc đợt triển khai, đề nghị quý đơn vị tổng hợp kết quả triển khai, báo cáo về Cục An toàn thực phẩm để tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm.
VFA