Đặc biệt, hiệu quả truyền thông chưa cao, chưa kết nối được thực phẩm sạch hay các địa chỉ xanh với người tiêu dùng. “Truyền thông tư vấn trực tiếp hầu như chưa được quan tâm đúng mức là một phần nguyên nhân dẫn đến kiến thức và hiểu biết về ATTP của người dân bị hạn chế. Có tình trạng như vậy bởi còn sự chồng chéo trong hoạt động cung cấp thông tin và phản hồi trong lĩnh vực về ATTP. Không ít địa phương vẫn hiểu theo tinh thần “ruộng, chuồng” của nông nghiệp, chợ của công thương, bàn ăn của y tế nên công tác tuyên truyền đôi lúc còn rời rạc, thiếu gắn kết” – bà Yến nhấn mạnh. Cùng với đó, nguồn lực phục vụ cho công tác truyền thông còn mỏng, đội ngũ cán bộ quản lý ATTP tuyến quận, huyện, phường, xã thường kiêm nhiệm cũng gây khó khăn cho công tác truyền thông, vận động về ATTP.
Do vậy, để thay đổi cách truyền thông ATTP, mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức chiến dịch truyền thông cơ động, cổ động về công tác bảo đảm ATTP. Chiến dịch được triển khai mở đầu tại Hà Nội, tiếp đến là TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đội truyền thông với cờ phướn, khẩu hiệu mang thông điệp về bảo ATTP đã diễu hành các tuyến phố chính tại các TP lớn. Cùng với đó là hoạt động phát tờ rơi tuyên truyền về công tác bảo đảm ATTP tại một số chợ đầu mối. Nội dung tờ rơi được biên soạn ngắn gọn, súc tích dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Phó Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ thực phẩm Việt Nam Lưu Duẩn cho biết, không có cách nào khác ngoài phương pháp mưa dầm, thấm lâu góp phần nâng cao ý thức của cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như kiến thức của người dân. Các phương pháp tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, lặp đi lặp lại, phù hợp với các đối tượng, trình độ dân trí, để người dân có thể mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng cần hướng tới mục tiêu kết nối được thực phẩm sạch, các địa chỉ xanh với người tiêu dùng, đồng thời công khai được cơ sở vi phạm để toàn dân được biết.
Nguồn: kinhtedothi.vn