Đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán
loading...
15:42 13/12/2022

Tết Nguyên đán Quý Mão sắp đến gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân ngày càng tăng cao, việc sản xuất, kinh doanh và vận chuyển các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động. Bên cạnh nguồn hàng sản xuất trên địa bàn thì phần lớn hàng hóa trên thị trường được nhập từ các địa phương khác trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Các thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết chủ yếu là các mặt hàng tươi sống như thịt, cá, rau, củ, quả; bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo...với đủ chủng loại, đa dạng về mẫu mã nhưng ẩn chứa nguy cơ nhiều loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng không đảm bảo; hàng giả hàng nhái theo đó trà trộn đưa vào thị trường để tiêu thụ.

Trong những năm qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng thực hiện. Tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 18.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trước những diễn biến phức tạp và nguy cơ ngộ độc do mất vệ sinh an toàn thực phẩm có thể xảy ra, Sở Y tế (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội xuân 2023 nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm. Theo đó, tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị và cơ sở kinh doanh thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở vi phạm để người dân được biết, nhằm hạn chế các loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường; từng bước tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm đến người dân. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung của Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các Sở, ngành, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo các cấp trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, duy trì các chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chợ đầu mối nông sản an toàn; quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi; kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.

Để đón Tết Nguyên đán Quý Mão an toàn, trọn vẹn, đảm bảo sức khỏe, người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố ở các chợ, các khu vực lễ hội cần đảm bảo:

1. Đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm:

- Không sử dụng phụ gia, phẩm màu độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

-  Có đầy đủ hồ sơ pháp lý về an toàn thực phẩm

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, con người tham gia sản xuất, chế biến, tiếp xúc với thực phẩm phải an toàn, đúng quy định.

2. Các cơ sở kinh doanh, buôn bán thực phẩm:

- Chỉ kinh doanh, buôn bán những loại thực phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn cho người tiêu dùng.

- Tuyệt đối không buôn, bán hàng thực phẩm giả, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

- Chú ý các điều kiện về vệ sinh an toàn trong bảo quản tại kho hàng, cửa hàng và trong quá trình vận chuyển lưu thông.

3. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố ở các chợ, khu vực lễ hội cần đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn như:

- Đảm bảo có đủ nước sạch.

- Có dụng cụ riêng gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín và sống.

- Nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống, rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm).

- Người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải có kiến thức về an toàn thực phẩm và không mắc các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

- Nhân viên phải có đủ tạp dề, mũ, khẩu trang khi bán hàng.

- Thức ăn phải được bày bán trong tủ kính; được bao gói hợp vệ sinh.

- Có dụng cụ chứa đựng chất thải riêng, kín, không để vương vãi, ứ đọng và được dọn sạch đi hàng ngày.

4. Ở mỗi bếp ăn, hộ gia đình cần thực hiện đầy đủ 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn của Bộ Y tế:

- Lựa chọn thực phẩm an toàn.

- Nấu chín kỹ thức ăn.

- Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.

- Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín.

- Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn.

- Không để lẫn thực phẩm sống và chín.

- Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ.

- Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.

- Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các loài động vật khác.

- Sử dụng nguồn nước sạch.

Ý kiến bạn đọc