CÁCH CHỌN THỰC PHẨM AN TOÀN TRONG DỊP TẾT
loading...
14:51 02/01/2018

Trong dịp Tết, nhu cầu về thực phẩm và các loại hàng hóa luôn tăng cao, chính vì thế thị trường mua bán phục vụ người dân trong dịp Tết cũng trở lên vô cùng sôi động. Những mặt hàng thực phẩm tươi sống hay những thức ăn sẵn, cùng hoa quả, bánh kẹo luôn thu hút số lượng lớn người sử dụng, dịp Tết cũng là dịp mang đến nhiều cơ hội cho các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...trà trộn làm thiệt hại đến lợi ích người tiêu dùng. Việc lựa chọn được những thực phẩm đảm bảo chất lượng và phù hợp với nhu cầu lại là một vấn đề mà không phải người tiêu dùng nào cũng biết. Để giữ trọn niềm vui và đảm bảo sức khỏe của mọi người trong dịp Tết, mỗi gia đình cần biết cách lựa chọn, bảo quản và chế biến thực phẩm tươi sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc và có mùi khó chịu, thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.. Sau đây là một số lưu ý trong chọn mua thực phẩm an toàn:

1. Với các loại rau, quả, củ: chọn mua các loại có màu sắc, hương thơm tự nhiên; cần thận trọng khi mua những loại trái vụ, những sản phẩm có kích thước, khối lượng lớn bất thường, đối với một số loại rau ăn lá không nên chọn rau có bề mặt nhẵn bóng, xanh mướt vì những loại này khi gieo trồng có thể được sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích, hoặc phân hóa học vẫn còn tồn dư trong rau và bề mặt mà chúng ta chưa thể kiểm soát được. Không mua các loại rau, củ, quả dập nát, có mùi bất thường, dính bụi phấn bẩn có thể do sử dụng hóa chất bảo quản, kích thích chín... không nên chọn mua các loại củ đã mọc mầm vì ảnh hưởng đến tiêu hóa.

Rau, củ, quả cần chọn lựa thật kỹ để đảm bảo an toàn.(Ảnh minh họa)

2. Thịt là một thực phẩm ngày Tết không thể thiếu, chính vì vậy người tiêu dùng phải thật lưu ý khi chọn mua các loại thịt. Đối với các loại thịt gia súc, gia cầm: Nên chọn mua những loại thịt của gia súc, gia cầm khỏe mạnh, miếng thịt săn, chắc, không chảy nước, có độ đàn hồi cao (ấn ngón tay vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra), trên da không có vết đỏ, tím, nốt xuất huyết, không có mùi ôi thiu. Không nên mua thịt có màu nhợt nhạt hoặc có các bọc trắng trong thớ thịt, đối với thịt lợn không nên mua thịt khi mỡ có màu vàng và mùi khét...Đặc biệt thận trọng khi chọn các loại gia cầm làm thực phẩm, nên chọn các loại gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút…đã được xác nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Không mua các loại gà, vịt, ngan, ngỗng…trong vùng đang có dịch. Tuyệt đối không mua và sử dụng gia cầm và các sản phẩm của gia cầm ốm, gia cầm chết làm thực phẩm. Kiên quyết không dùng các loại gia cầm không rõ nguồn gốc làm thực phẩm nhằm phòng tránh dịch cúm gia cầm lây sang người. Hạn chế sử dụng các loại gia cầm đã giết mổ sẵn mà không có dấu kiểm dịch vì rất khó phân biệt giữa thịt gia cầm khỏe và gia cầm bị bệnh nhưng được giết mổ sớm. Cần tìm hiểu nguồn gốc cung cấp thịt hay người kinh doanh buôn bán, thịt và các sản phẩm từ động vật. Dấu hiệu nhận biết là dấu chứng nhận của cơ quan thú y trên sản phẩm và nhãn mác sản phẩm. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến vệ sinh của quầy bán thịt vì đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thịt và sự an toàn khi sử dụng.

Thịt là một thực phẩm ngày Tết không thể thiếu, chính vì vậy người tiêu dùng phải thật lưu ý khi chọn mua các loại thịt.
(Ảnh minh họa)

3. Đối với các loại thủy, hải sản: Nên chọn loại còn tươi, cần phát hiện để không mua nhầm: cá nóc, bạch tuộc màu... để tránh bị ngộ độc.

Cá tươi. (Ảnh minh họa)

4. Với thực phẩm là hàng khô như: măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, rong biển...tránh mua hàng bị mốc, ẩm, hoặc có mùi, màu bất thường do được bảo quản bằng hóa chất. Không dùng lạc hạt, đậu hạt bị mốc... vì có thể bị ngộ độc.

Miến dong. Ảnh minh họa
Miến dong. (Ảnh minh họa)

5. Các mặt hàng thực phẩm được chế biến sẵn như: giò, chả, nem, thịt quay... Khi chọn mua loại thực phẩm này cần: biết rõ cơ sở sản xuất, chất lượng đảm bảo không ôi, thiu. Nên chọn thực phẩm có màu tự nhiên như: màu đỏ của gấc, vàng của nghệ, màu nâu sẫm của nước đường cô cháy... Không mua phẩm có màu sắc sặc sỡ khác thường để tránh các chất màu thực phẩm  không an toàn.

Giò. (Ảnh minh họa)

6. Với các loại bánh, mứt, kẹo, thực phẩm bao gói sẵn: cần chọn mua những sản phẩm được bao gói cẩn thận, kín, khô, có nhãn ghi đầy đủ, rõ ràng địa chỉ sản xuất, có đăng ký chất lượng hàng hóa và phải còn hạn dùng. Chọn mua các loại đồ hộp vỏ còn sáng, không rỉ, không thủng, còn hạn sử dụng và đặc biệt không mua đồ hộp bị phồng để tránh bị ngộ độc. Không nên chọn mua những thực phẩm không được bao gói kín, có thể bị nhiễm bụi, hoặc những mảnh cứng nhỏ để tránh làm tổn thương đường tiêu hóa  của người sử dụng.

Bánh kẹo là mặt hàng thực phẩm ngày Tết đa dạng và khó kiểm soát. (Ảnh minh họa)

Các loại thực phẩm hiện nay nhìn chung dễ mua, việc cung ứng cũng thuận tiện, do vậy không nên mua  thực phẩm với số lượng nhiều trong một lần, để tránh phải bảo quản dài ngày, lại giữ được chất lượng của thực phẩm vừa tươi ngon vừa an toàn cho sức khoẻ.

Ngoài vấn đề chọn mua được thực phẩm an toàn thì phương pháp bảo quản, chế biến thực phẩm cũng hết sức quan trọng, các gia đình cần phải tuân thủ đúng hướn dẫn mà nhà sản xuất khuyến cáo cũng như tuân thủ nguyên tắc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh tại gia đình; thực hiện 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an tòan toàn.

Để công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu quả ngoài chức năng của các cơ quan quản lý Nhà nước người dân cần chủ động hợp tác trong phát hiện, tố giác các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm để có biện pháp kiểm tra, giám sát và kịp thời ngăn chặn.

BS. Phan Văn Hùng - Chi cục ATVSTP

Ý kiến bạn đọc