Bà Nguyễn Thị Thu (ở phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh) vừa nhận kết quả test nhanh một mẫu bánh mướt chia sẻ: “Xem tivi, đọc báo suốt ngày thấy nói về ATVSTP, nào là “phù phép” bằng hóa chất, rồi kích thích rau, thuốc bảo quản…, rồi bắt vụ này vụ nọ, chúng tôi rất bất an. Vì vậy, mua gì về ăn cũng luôn có sự nghi ngờ và thấy không yên tâm chút nào. Giờ có ki-ốt này, tôi đến thử xem sao. Mẫu bánh mướt này tôi lấy ở quán mà gia đình tôi thường hay ăn sáng. Rất mừng là không có vấn đề gì”…
Cán bộ Chi cục ATVSTP Hà Tĩnh và Chi cục quản lý chất lượng nông - lâm - thủy hải sản tỉnh phân tích các mẫu thực phẩm tại chợ Hà Tĩnh bằng phương pháp test nhanh
Không chỉ người tiêu dùng mà ngay cả các hộ kinh doanh cũng rất đồng tình với việc đặt ki-ốt kiểm nghiệm ATTP nhanh tại chợ. Chị Nguyễn Thị Phương, người buôn bán thịt lợn tại chợ thành phố Hà Tĩnh phấn khởi: “Lâu nay, chúng tôi phải chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi những người buôn bán thiếu đạo đức. Mỗi lần bắt các vụ thịt lợn có chứa hàn the tại chợ, được đưa lên báo, đài thì sau đó chúng tôi bị mất khách rất nhiều. Người vi phạm chứng nào vẫn tật nấy, do lâu lâu mới bị "đột kích". Giờ có ki-ốt này, nếu người tiêu dùng chưa thấy yên tâm thì họ có thể thử ngay, do vậy chúng tôi đỡ bức xúc hơn và cảm thấy được đối xử công bằng hơn trong buôn bán”.
Sau 3 ngày (từ 25-27/10) chính thức hoạt động, ki-ốt kiểm nghiệm ATVSTP tại chợ thành phố Hà Tĩnh tiếp nhận hơn 10 mẫu thực phẩm do người dân mang đến, chủ yếu là củ cải, rau cải, thịt lợn, thịt bò, cam… Theo kết quả test nhanh, nhìn chung các sản phẩm đều đảm bảo an toàn.
Các chỉ tiêu phát hiện bằng test tại ki-ốt và thời gian có kết quả:
(Lưu ý: Đối với mẫu kiểm nghiệm thuốc trừ sâu, do mỗi mẫu phải mất từ 60-90 phút mới có kết quả nên mỗi buổi ki-ốt chỉ nhận làm không quá 5 mẫu và thời gian nhận mẫu phải trước 9h30 phút).
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTTP tỉnh Phan Văn Hùng cho biết, kiểm nghiệm thực phẩm tại ki-ốt là phương pháp thử test nhanh có giá trị sàng lọc định hướng phát hiện sớm các nguy cơ ô nhiễm trong thực phẩm. Kết quả chỉ có giá trị trên mẫu thực phẩm do người tiêu dùng mang đến không có giá trị để chứng nhận cho chất lượng sản phẩm cả lô hàng của cơ sở kinh doanh. Kết quả kiểm nghiệm làm cơ sở cảnh báo cho người tiêu dùng trong sử dụng sản phẩm, đồng thời các cơ quan chức năng tiếp tục lấy mẫu gửi các cơ sở kiểm nghiệm để phân tích định lượng nếu cần thiết.
Thông qua hoạt động tại ki-ốt, cơ quan chức năng sẽ phát hiện các nguy cơ về ATVSTP và truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, chế biến sẵn. Khách hàng có trách nhiệm cung cấp các thông tin về mẫu thực phẩm cho cán bộ kiểm tra theo quy định để phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.
Điểm kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) được triển khai thí điểm tại chợ TP. Hà Tĩnh với phương pháp xét nghiệm nhanh bằng bộ test các chỉ tiêu: phẩm màu, focmol, axít vô cơ trong dấm ăn, hàn the, nitrat, dư lượng thuốc trừ sâu trong rau quả... Do một số nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan nên sau ngày khai trương (20/10/2017), mô hình chưa đi vào hoạt động khiến người dân băn khoăn, nghi ngờ về tính hiệu quả. Ngay sau khi Báo Hà Tĩnh điện tử phản ánh, các cơ quan, đơn vị liên quan đã khẩn trương vào cuộc và chính thức đưa điểm test vào hoạt động từ ngày 25/10. Việc thành lập ki-ốt kiểm nghiệm nhanh tại chợ hướng đến mục tiêu thay đổi ý thức người kinh doanh và người tiêu dùng về ATVSTP, đặc biệt là các hộ kinh doanh, buộc họ phải thay đổi vì nếu kinh doanh mặt hàng không an toàn thì sẽ bị phát hiện và xử lý. |
Theo: Báo Hà Tĩnh