Chỉ thị số 09-CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm
loading...
09:13 09/07/2021

Ngày 03 tháng 6 năm 2021, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ký Chỉ thị số 09-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Luật An toàn thực phẩm, Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng của đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sức khỏe, sự phát triển toàn diện con người và thế hệ tương lai.

2. Xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng hết sức quan trọng. Chỉ đạo đưa các tiêu chí về đảm bảo an toàn thực phẩm vào chương trình hoạt động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, từng giai đoạn của cơ quan, đơn vị, địa phương. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm theo nhiệm vụ được giao trên địa bàn quản lý, theo lĩnh vực phụ trách.

3. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về an toàn thực phẩm; tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm cho cán bộ cơ sở, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người tiêu dùng. Nâng cao trách nhiệm của nhân dân, các cơ quan truyền thông trong việc phát hiện các biểu hiện vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng tin, bài, chuyên trang, chuyên mục, chương trình truyền thông về an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác quản lý quảng cáo, nhất là quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gian dối, quảng cáo sai sự thật về nguồn gốc, xuất xứ, công dụng, chất lượng sản phẩm. Biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm; phản ánh, cung cấp thông tin các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm để kịp thời xử lý.

4. Khuyến khích các doanh nghiệp, người sản xuất nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm an toàn. Tiếp tục phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản phẩm đồ uống... Đẩy nhanh chuyển đổi số, sản xuất nông nghiệp thông minh để truy xuất nguồn gốc các loại nông sản; tăng cường quản lý nhà nước thông qua ứng dụng công nghệ.

5. Tăng cường đầu tư nguồn lực cho hoạt động quản lý an toàn thực phẩm, đảm bảo đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị hiện đại cho công tác quản lý an 3 toàn thực phẩm; nâng cao năng lực phân tích, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng sản phẩm. Phát huy trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hàng hóa, nhất là sản phẩm địa phương, sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ.

6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm; chú trọng kiểm tra, giám sát tại các bếp ăn tập thể, bếp ăn của các trường học, bệnh viện, nhà máy sản xuất, các cửa hàng kinh doanh ăn uống, giải khát... Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hoạt động bán hàng dưới hình thức đa cấp, kinh doanh trực tuyến, bán hàng tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn; nhân rộng mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm. Quản lý chặt chẽ việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để khuyến cáo người tiêu dùng và giáo dục, cảnh báo, răn đe các đối tượng vi phạm.

Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn nước sử dụng trong sản xuất thực phẩm, ăn uống, sinh hoạt, nhất là tại các địa điểm gần khu, cụm công nghiệp, cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, khu xử lý rác thải…

Chú trọng giám sát diễn biến, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, việc kinh doanh, sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi; rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện quy định về an toàn thực phẩm tại các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Áp dụng chế tài xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật: xử lý vi phạm hành chính (phạt tiền, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn…) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định.

Chi tiết truy cập link (https://hatinh.dcs.vn/plugin_upload/preview/archives/2308/2628/ct-09.pdf)

Ý kiến bạn đọc