NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ NGHỊ ĐỊNH 15/2018/NĐ-CP QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT AN TOÀN THỰC PHẨM
loading...
14:29 08/02/2018

Ngày 02/02/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP có hiệu lực ngay từ ngày 02/02/2018, thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP. Theo đó có các nội dung quan trọng đáng chú đoa là:

1.Cơ sở kinh doanh thực phẩm được tự công bố sản phẩm

Đây là nội dung quan trọng tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm (ATTP). Theo đó: Cơ sở SX-KD thực phẩm được tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng, trang TTĐT của mình hoặc niêm yết tại trụ sở thay vì phải Công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định ATTP như hiện nay.

Cụ thể, sản phẩm được tự công bố gồm: thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ chứa đựng thực phẩm; vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, trừ:

+ Nhóm sản phẩm được miễn thủ tục tự công bố: sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ sản xuất nội bộ (không tiêu thụ trong nước);

- Nhóm sản phẩm phải làm thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm:

+ Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt;

+ Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi;

+ Phụ gia hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục được phép sử dụng hoặc không đúng đối tượng sử dụng theo quy định của Bộ Y Tế.

2. Trường hợp không cần xin cấp GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP

Đây là nội dung nổi bật tiếp theo tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP sau nội dung “Cơ sở kinh doanh thực phẩm được tự công bố sản phẩm”. Theo đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ các 10 loại trường hợp sau không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận gồm:

- Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

- Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;

- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;

- Sơ chế nhỏ lẻ;

- Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;

- Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;

- Nhà hàng trong khách sạn;

- Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;

- Kinh doanh thức ăn đường phố;

- Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương còn hiệu lực.

Các cơ sở trên phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng.

3. Nghị định 15/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 , Thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm; bãi bỏ Chương II Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09 tháng 4 năm 2014 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Ý kiến bạn đọc