Hà Tĩnh xây dựng mô hình điểm bếp ăn tập thể
loading...
15:16 20/12/2018

Bữa ăn tập thể trong các trường mầm non có vai trò rất lớn trong chương trình nuôi và dạy trẻ. Nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn tập thể, siết chặt công tác kiểm tra nguồn cung cấp thực phẩm, an toàn trong chế biến thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm trong các bếp ăn bán trú tại các trường học, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã xây dựng mô hình điểm Bếp ăn tập thể tại 10 trường mầm non trên địa bàn huyện Nghi Xuân và thị xã Kỳ Anh. Sự thành công của mô hình điểm là điều kiện để nhân rộng tại tất cả các bếp ăn tập thể tại trường mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Chính thức đi vào hoạt động dạy học từ năm 2008, trường mầm non phường Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh được chính quyền địa phương hỗ trợ đầu tư gần 12 tỷ đồng. Hằng năm trường duy trì bữa ăn bán trú với gần 400 suất ăn. Trong những năm qua, bên cạnh việc công khai mọi khoản chi tiêu, đóng góp, khẩu phần ăn, thực đơn từng ngày của các bé, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được trường đặt lên vị trí hàng đầu. Nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ, nhà trường đã đầu tư khá lớn vào hệ thống nhà bếp, xây dựng bếp ăn theo quy định của Bộ Y tế, nhiều năm qua chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào tại trường.

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực Hà Tĩnh phẩm hướng dẫn làm một số test nhanh về ATVSTP tại bếp ăn trường mầm non bán trú ở huyện Kỳ Anh

Được chọn làm mô hình điểm bếp ăn tập thể tại trường học của tỉnh, nhà trường đã tạo được sự an tâm cho phụ huynh khi gửi con đến trường. Cô Doãn Thị Hằng - Hiệu trường trường mầm non phường Kỳ Hoa- thị xã Kỳ Anh cho biết: “ Được triển khai mô hình điểm về bếp ăn tại trường, đội ngũ nhân viên trực tiếp phục vụ chế biến thực phẩm trong bếp ăn được cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh hướng dẫn thực hiện các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như: điều kiện vệ sinh cơ sở; điều kiện trang thiết bị, dụng cụ; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, nguồn nước và điều kiện về con người...Nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn được hợp đồng chặt chẽ đảm bảo an toàn VSTP. Chính vì vậy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cuối năm của trường luôn giảm so với đầu năm học từ 3-4%. Đặc biệt nhà trường luôn có sự đồng hành phối hợp, giám sát của chính quyền địa phương cũng như Ban đại diện hội cha mẹ phụ huynh”.

Triển khai mô hình điểm bếp ăn tập thể tại 10 trường mầm non trên địa bàn huyện Nghi Xuân và thị xã Kỳ Anh, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã hỗ trợ mỗi trường mầm non 01 tủ lưu mẫu thực phẩm, tài liệu tuyên truyền, bảo hộ lao động như găng tay, mũ mác, tạp giề, các loại dung dịch vệ sinh, sổ kiến thức 3 bước và các hóa chất Test nhanh an toàn vệ sinh thực phẩm.Với sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của ngành Giáo dục và Đào tạo cùng các ban ngành và sự nỗ lực, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục mầm non trong việc đảm bảo vệ sinh An toàn thực phẩm trong bếp ăn tập thể, việc xây dựng mô hình đã tạo được niềm tin cho các bậc phụ huynh bằng những bữa ăn vừa ngon, đủ dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh cho trẻ. Phụ huynh Đặng Nữ Thúy, trú tại xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh đang có 2 con đi học tại trường chia sẻ: “ Tôi đi làm xa nhà, nên khi nhà trường tổ chức ăn bán trú đã giúp gia đình tôi đỡ vất vả rất nhiều. Được biết nhà trường được chọn làm mô hình điểm bếp ăn tập thể, tôi cũng như hộiphụ huynh thực sự rất phấn khởi và hoàn toàn yên tâm tin tưởng gửi 2 cháu theo học tại trường.”

Và kiểm tra tại các bếp ăn bán trú trên địa bàn tỉnh

Đến nay, dưới sự hướng dẫn tận tình, sát sao của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, 100% các trường học được chọn làm mô hình điểm đã có sổ kiểm thực 3 bước và thực hiện việc ghi sổ theo đúng quy định; việc ghi sổ được cập nhật thường xuyên; được trang bị tủ lạnh lưu mẫu theo đúng quy định, không còn tình trạng dùng chung tủ lạnh lưu mẫu và lưu thực phẩm. Việc tổ chức lưu mẫu được tiến hành thường xuyên và đúng thời gian quy định. Nhân viên chế biến thực phẩm có kiến thức và thực hành tốt các quy định bảo đảm ATTP; giữ móng tay ngắn, sạch sẽ và không đeo nhẫn đồng hồ trong quá trình chế biến; mang mặc các trang phục bảo hộ lao động đầy đủ như: mũ chụp tóc, tạp dề, khẩu trang. Tỷ lệ cán bộ y tế học đường và người trực tiếp chế biến thực phẩm biết cách test nhanh hóa chất xét nghiệm nhanh ATTP đạt 70%. Cô nuôi Đặng Thị Hoài tại Trường mầm non Hoa Mai- phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh cho biết:“Trước đây chúng tôi chưa biết cách test nhanh các nguồn thực phẩm nhưng giờ đây được cán bộ của Chi cục ATVSTP tỉnh trực tiếp hướng dẫn cách làm xét nghiệm một số test nhanh như: cách xác định tinh bột bằng dung dịch I ốt; Sử dụng kít kiểm tra nhanh hàn the trong thực phẩm; hướng dẫn sử dụng Test kiểm tra nhanh Acid vô cơ trong dấm; Hướng dẫn sử dụng Test kiểm tra phẩm màu kiềm trong thực phẩm và hướng dẫn kit kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... nên khi cảm thấy nghi ngờ chúng tôi có thể tự kiểm tra nhanh nguồn thực phẩm có an toàn hay không.”

Bác sĩ Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: xây dựng mô hình bếp ăn tập thể đảm bảo các quy định của Nhà nước về An toàn thực phẩm tại các trường mầm non là việc làm cấp thiết. Thời gian tới sẽ nhân rộng áp dụng tại tất cả các bếp ăn tập thể tại các trường mầm non và các trường tiểu học có bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Nhằm phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho học sinh với mục tiêu: 100% người quản lý, người trực tiếp chế biến thực phẩm và phục vụ ăn uống tại các bếp ăn được tiếp cận, tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các quy định của nhà nước về An toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể. Phấn đấu các bếp ăn tập thể đạt trên 90% các tiêu chí quy định về điều kiện bảo đảm An toàn thực phẩm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, con người, hồ sơ ghi chép theo Thông tư 30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ Y tế. Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học chính là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của giáo viên, học sinh. Việc xây dựng mô hình điểm bếp ăn tập thể nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, thực hành đúng về An toàn thực phẩm của cán bộ quản lý, người tham gia chế biến thực phẩm, giáo viên, học sinh trong các trường học. Kiểm soát điều kiện đảm bảo An toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể trong trường học góp phần phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho các trẻ nhỏ- những mầm non tương lai của đất nước.

Đoàn Loan - Huy Hoàng

Ý kiến bạn đọc